7 bệnh thường gặp ở trẻ em

7 bệnh thường gặp ở trẻ em

 

 

Các bệnh cúm, cảm lạnh, nhiễm trùng tai, đau mắt đỏ, tiêu chảy thường xuyên xảy ra ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần chăm sóc đúng để tránh di chứng.

Sốt

Sốt là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe. Cơ thể trẻ tăng nhiệt độ để tạo điều kiện cho enzyme chống nhiễm trùng hoạt động tốt hơn. Sốt có thể là triệu chứng của bệnh viêm tai giữa, cảm lạnh, cúm hoặc phản ứng với vaccine, khiến trẻ lờ đờ, cáu kỉnh.

Cha mẹ không nên lo lắng quá về các cơn sốt của con hoặc lần đầu con bị sốt. Những cơn sốt nhẹ khoảng 38 độ C hoặc thấp hơn ở trẻ trên 3 tháng tuổi thường không nguy hiểm.

Để giúp con thoải mái hơn, bạn có thể cho con uống hạ sốt, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về cách uống và liều lượng. Bạn cho con mặc quần áo thoáng mát, khuyến khích con bú bình thường và tắm cho bé bằng nước ấm. Gia đình cũng có thể lau người bằng nước ấm, cách này giúp hạ sốt từ một đến hai độ.

Bạn nên đưa con đi khám nếu em bé từ 3 tháng tuổi đổ xuống sốt từ 37,5 độ; hoặc em bé dưới một tuổi sốt trên 38,5 độ; hoặc khi cơn sốt kéo dài hơn 3 ngày và khiến bé thay đổi hành vi.

Cảm lạnh

Trẻ nhỏ bị cảm từ 6 đến 8 lần trong một năm, chủ yếu vào mùa thu đông. Cảm lạnh thường có triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ho và đôi khi sốt, kéo dài hai đến ba ngày, tối đa năm ngày, rồi giảm dần.

Cảm lạnh thường bị nhầm với Covid-19 do có nhiều triệu chứng giống nhau ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Do đó, để biết chính xác bé mắc bệnh gì, bạn nên đưa bé đi khám.

Bạn có thể cho bé dùng thuốc ho, thuốc trị cảm lạnh và thuốc hạ sốt để điều trị triệu chứng. Nếu không khí quá khô, gia đình có thể dùng máy tạo độ ẩm trong phòng, giúp bé thở dễ dàng hơn. Cha mẹ được khuyến khích cho bé bú thường xuyên bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức. Nếu con trên một tuổi, bạn có thể cho bé uống nước bù điện giải.

Trẻ bị ốm cần được chăm sóc đúng để tránh biến chứng. Ảnh: Freepik

Trẻ bị ốm cần được chăm sóc đúng để tránh biến chứng. Ảnh: Freepik

Virus hợp bào hô hấp (RSV)

RSV là loại virus phổ biến, gây bệnh ở phổi và đường hô hấp. Mọi trẻ em đều mắc RSV vào năm 2 tuổi, hồi phục khỏe mạnh, chỉ số ít gặp biến chứng.

RSV thường có triệu chứng giống như cảm lạnh, đến ngày thứ ba bắt đầu gây ho dữ dội và thở khò khè. Các triệu chứng thuyên giảm sau một vài ngày, còn cơn ho có thể kéo dài đến hai tuần.

Cha mẹ có thể dùng máy tạo độ ẩm để trong phòng của con, tránh không khí bị quá khô. Gia đình cũng có thể cho con dùng thuốc hạ sốt acetaminophen, tính toán thận trọng trên cân nặng của bé, đồng thường uống thêm sản phẩm bù nước.

Nếu trẻ sơ sinh mắc RSV, có dấu hiệu mất nước hoặc lơ mơ, rối loạn ý thức, bạn nên đưa bé đi khám ngay. Một số triệu chứng khác cũng cảnh báo bé gặp tình trạng nguy hiểm như da, môi, lưỡi của bé có màu xám, xanh hoặc tím; bị ho dữ dội không ngừng hoặc khó thở; ngực lõm.

Nhiễm trùng tai

Khi con thường xuyên ngoáy tai, đồng thời bị nghẹt mũi và sốt, thủ phạm có thể là bệnh nhiễm trùng tai. Một số bệnh nhiễm trùng này có thể tự khỏi, vì vậy cha mẹ không nên lạm dụng thuốc kháng sinh. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh nếu bé bị nhiễm trùng nặng, nguy cơ thủng màng nhĩ và mất thính giác. Trường hợp em bé bị nhiễm trùng tái phát, cha mẹ cũng nên đưa đi khám ngay.

Cúm

Virus cúm rất dễ lây lan trong gia đình và trường mẫu giáo, khiến em bé mệt mỏi, mất hứng thú chơi hoặc ăn uống, gây ra các cơn sốt, sổ mũi, ho... Cúm kéo dài dai dẳng và có thể khiến trẻ cảm thấy cáu kỉnh trong nhiều ngày.

Cha mẹ nên cho con uống nhiều nước và đề phòng con bị ho nặng, khó thở. Để phòng cúm cho trẻ, hãy cho con tiêm vaccine ngừa cúm. Nếu em bé bị ốm trong mùa cúm và bị sốt, các triệu chứng không cải thiện trong 5 ngày, bạn nên đưa con đi khám.

Tiêu chảy

Tiêu chảy có thể do virus, vi khuẩn hoặc bé bị dị ứng, không dung nạp thức ăn, phản ứng phụ của thuốc... Tiêu chảy thường kéo dài từ 5 đến 10 ngày, khiến bé bị mất nước.

Vì vậy, cha mẹ hãy cho bé uống nhiều nước hơn. Nếu bé bị nôn, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng sản phẩm bù điện giải hợp lý.

Trong trường hợp con sốt cao, có dấu hiệu mất nước ví dụ tã ít ướt hơn, chậm chạp, da không đàn hồi như bình thường, hoặc nếu có máu hoặc mủ trong phân, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện khám.

Viêm kết mạc

Viêm kết mạc, còn gọi là đau mắt đỏ, làm cho mắt của bé đỏ và sưng húp. Lý do là mắt bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus, gây tình trạng viêm màng và thường ảnh hưởng đến cả hai mắt.

Bệnh đau mắt đỏ thường tự khỏi trong vòng một tuần. Gia đình chú ý giữ vùng mắt của bé sạch sẽ bằng cách vệ sinh bằng nước ấm hoặc các sản phẩm chăm sóc được bác sĩ chỉ định. Nếu trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ, gia đình nên đưa con đi khám. Cha mẹ cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc có cần dùng kháng sinh hay không.

Nguồn: vnexpress.net

popup

Số lượng:

Tổng tiền: