-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Trẻ 12 tháng tuổi: Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc răng miệng
Cột mốc 12 tháng tuổi đánh dấu bước phát triển quan trọng của bé. Nhiều phụ huynh lo lắng, không biết nên cho trẻ 1 tuổi ăn gì để cung cấp đủ dưỡng chất, giúp bé khỏe mạnh, thông minh hơn. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tuổi cần phải được cân đối đa dạng và phù hợp để trở thành tiền đề cho các mốc phát triển về sau của bé.
1. 12 tháng tuổi - dấu mốc phát triển quan trọng của trẻ
- Bé trai: Nặng khoảng 9,6 - 10kg, cao khoảng 70 - 75cm, đã mọc được khoảng 6 - 8 chiếc răng sữa. Trẻ có thể tự đứng, tập đi được vài bước nhỏ, thậm chí có thể vịn và leo cầu thang. Về tâm sinh lý, bé có thể nhận ra bố mẹ, người thân, tập nói chuyện, biết phân biệt người quen - người lạ;
- Bé gái: Nặng khoảng 8,5 - 8,9kg, cao khoảng 70 - 74cm. Bé gái cũng có sự phát triển vận động và tâm sinh lý tương tự bé trai cùng độ tuổi. Ở giai đoạn này, bé đang tập đi vài bước nhỏ, tập nói, gọi bố mẹ hoặc phát âm các từ đơn giản,...
2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 12 tháng tuổi
2.1 Dưỡng chất cần thiết cho trẻ 1 tuổi
Trẻ 1 tuổi ăn gì để bắt kịp đà tăng trưởng? Khi được 1 tuổi, trẻ đã ăn được nhiều loại thực phẩm vì hệ tiêu hóa của bé đã hoạt động tốt hơn khi còn nhỏ, thích nghi được nhiều món ăn khác nhau. Nhu cầu dưỡng chất của bé như sau:
- Tinh bột: Khoảng 100 - 120g, có trong gạo, mì, bún, phở,...;
- Chất béo: Khoảng 25g, có trong mỡ động vật, bơ, dầu ăn,...;
- Chất đạm: Khoảng 100 - 150g, có trong cá, trứng, tôm, cua, thịt,...;
- Vitamin và khoáng chất: Có trong hoa quả chín (khoảng 150 - 200g) và rau xanh (khoảng 50 - 100g).
2.2 Trẻ 1 tuổi ăn được những gì?
Nhiều phụ huynh đã đặt câu hỏi với các chuyên gia về việc trẻ 1 tuổi ăn cơm được chưa. Theo các bác sĩ dinh dưỡng và chuyên khoa nhi, ở giai đoạn 1 tuổi, sữa vẫn là nguồn cung cấp canxi quan trọng. Vì vậy, sữa và chế phẩm từ sữa là nguồn thực phẩm cần bổ sung hằng ngày cho bé với lượng bổ sung khoảng từ 300ml – 500ml.
Ngoài sữa, trẻ 1 tuổi ăn được gì? Ở thời điểm này, trẻ có thể ăn được thêm cháo, súp và các loại thức ăn mềm dễ tiêu hóa như:
- Cháo mềm, cơm nhão, bún, phở, mì,... không xay để kích thích khả năng nhai cho hàm, răng của trẻ;
- Thực phẩm dạng mềm như tôm, trứng, thịt gà xé nhỏ,...;
- Trái cây, sữa chua và một số loại bánh ăn dặm cho trẻ.
2.3 Lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho trẻ 12 tháng tuổi
- Chế độ ăn uống đa dạng, cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết và đáp ứng được nhu cầu cơ thể của trẻ. Nên phối trộn nhiều loại nguyên liệu thực phẩm như chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm), rau xanh (bí đỏ, cà rốt), chất béo (dầu ăn), tinh bột (gạo, mì),...;
- Những trẻ đang bú mẹ cần tiếp tục cho bú, những trẻ đang uống sữa bột có thể chuyển sang uống sữa tươi nguyên kem;
- Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và các loại hoa quả tươi;
- Hạn chế uống các loại nước hoa quả chứa quá nhiều vitamin C, khuyến khích trẻ uống nước lọc;
- Nên đa dạng các món ăn, trình bày đẹp mắt để kích thích trẻ ăn uống ngon miệng hơn;
- Cho trẻ ăn 3 bữa chính, 2 - 3 bữa phụ/ngày;
- Nên cắt đồ ăn cho trẻ thành từng miếng nhỏ để tránh nguy cơ hóc, nghẹn;
- Tránh cho trẻ ăn thức ăn có hàm lượng muối, mỡ và đường cao. Sau đó, dần dần chuyển thực đơn của trẻ sang bữa ăn bình thường của gia đình;
- Không nên cho trẻ ăn hạt cứng, kẹo cứng,... để tránh bị sặc;
- Cho trẻ ngồi ghế ăn, cao ngang với bàn ăn của gia đình để tăng sự giao tiếp giữa các thành viên gia đình trong bữa ăn;
- Không nên ép trẻ ăn quá nhiều vì 1 tuổi là giai đoạn trẻ đang học cách ăn các loại thức ăn dạng rắn nên hãy để bé ăn một cách vui vẻ, tự nguyện;
- Khuyến khích bé tự ăn bằng thìa, có bát riêng.
3. Chăm sóc răng miệng cho trẻ 12 tháng tuổi
Thiết lập một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng là một biện pháp chăm sóc răng miệng hiệu quả, giúp trẻ có hàm răng khỏe mạnh. Một số lưu ý quan trọng trong chăm sóc răng miệng cho trẻ 1 tuổi gồm:
- Không cho bé uống nước hoa quả, sữa,... ngọt trước khi đi ngủ. Vi khuẩn trong miệng của trẻ sẽ phân giải đường trong đồ uống, dẫn tới hình thành mảng bám axit trên bề mặt răng, gây sâu răng;
- Nên cho trẻ uống sữa, nước hoa quả bằng cốc thay vì bú bình để chống sâu răng;
- Trẻ cần được đánh răng ngay sau bữa ăn và trước khi đi ngủ;
- Không nên cho trẻ ăn đồ ăn vặt thường xuyên. Cho trẻ ăn 3 bữa chính và 2 – 3 bữa nhẹ mỗi ngày là đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé;
- Cho trẻ ăn những thực phẩm giàu canxi như sữa, chế phẩm từ sữa,... để cải thiện sức khỏe răng miệng, chống sâu răng;
- Đưa trẻ đi khám răng định kỳ để được kiểm tra, tư vấn chăm sóc răng miệng.
Tuân thủ một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, trí não và có một hàm răng khỏe mạnh.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên áp dụng một số phương pháp thay đổi thói quen lẫn cải thiện dinh dưỡng để hỗ trợ hệ răng của con phát triển tốt hơn.